Link nghe audio + book miễm phí :
http://vnaudiobook.com/audio-books-Tam-quoc-dien-nghia-545.html
Tác giả: La Quán Trung
Thể loại: Tiểu thuyết
Quốc gia: Trung Quốc
Giới thiệu tiểu thuyết:
Bài viết này có chứa các ký tự Trung Hoa. Nếu không được hỗ trợ hiển thị
đúng, bạn có thể sẽ nhìn thấy các ký hiệu chấm hỏi, ô vuông, hoặc ký
hiệu lạ khác thay vì các chữ Trung Quốc.
Tam quốc diễn nghĩa (giản thể: 三国演义; phồn thể: 三國演義, Pinyin: sān guó yǎn
yì), nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa[1], là một tiểu
thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về
thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (220-280), theo phương pháp bảy thực ba hư
(bảy phần thực ba phần hư cấu)[2]. Tiểu thuyết này được xem là một trong
bốn tác phẩm cổ điển hay nhất của văn học Trung Quốc.
Mục lục [ẩn]
1 Nguồn gốc
2 Cốt truyện
3 Sự thực của một số tình tiết hư cấu
4 Những ấn phẩm liên quan
5 Phê bình văn học
6 Ý nghĩa tác phẩm
7 Hành trình ở Việt Nam
8 Những khía cạnh khác
8.1 Phật giáo
8.2 Thành ngữ
9 Chú thích
10 Xem thêm
11 Tham khảo
12 Liên kết ngoài
12.1 Tiếng Anh
12.2 Tiếng Hoa
12.3 Tiếng Việt
Nguồn gốc [sửa]
Tam quốc diễn nghĩa về phương diện biên soạn chủ yếu là công lao của La
Quán Trung, nhưng thực ra bộ tiểu thuyết này trước sau đã trải qua một
quá trình tập thể sáng tác lâu dài của rất nhiều người.
Trước La Quán Trung, từ lâu chuyện Tam quốc đã lưu hành rộng rãi trong
dân gian truyền miệng, các nghệ nhân kể chuyện, các nhà văn học nghệ
thuật viết kịch, diễn kịch, đều không ngừng sáng tạo, làm cho những tình
tiết câu chuyện và hình tượng các nhân vật phong phú thêm.
Cuối đời Nguyên đầu đời Minh, nhà tiểu thuyết La Quán Trung đã viết bộ
Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa[3] chính là đã dựa trên cơ sở sáng tác
tập thể rất hùng hậu đó của nhân dân quần chúng. Dĩ nhiên trong khi
viết ông có tham khảo những bản ghi chép của các nhà viết sử và các nhà
văn khác (Tam quốc chí của Trần Thọ, Tam quốc chí chú của Bùi Tùng Chi),
nhưng quan trọng hơn là phần thể nghiệm cuộc sống phong phú của bản
thân ông và tài năng văn học kiệt xuất của ông.
Một trong những bản Tam quốc diễn nghĩa ra đời sớm nhất hiện nay còn giữ
được là bản in năm Giáp Dần niên hiệu Hoằng Trị đời Minh (1494), năm
Nhâm Ngọ Gia Tĩnh (1522) gồm có 24 cuốn 240 tiết. Từ đó về sau (gần 300
năm) nhiều bản Tam quốc đã lưu hành, nhưng nội dung đều không có gì khác
nhau lắm.
Truyện Tam quốc của La Quán Trung so với bản truyện kể của đời nhà Nguyên, đại khái có mấy đặc điểm như sau:
Tước bớt một số phần mê tín, nhân quả báo ứng và những tình tiết "quá ư hoang đường".
Viết thêm, làm nội dung cuốn truyện phong phú thêm rất nhiều, tô vẽ tính cách và hình tượng nhân vật cho sâu sắc, đậm nét hơn.
Nâng cao ngôn ngữ đến mức nghệ thuật, tăng cường thêm sức hấp dẫn của nghệ thuật.
Làm nổi bật lên một cách rõ ràng và mãnh liệt nhân dân tính và xu hướng
tính văn học là yêu Lưu Bị, ghét Tào Tháo, hướng về nước Thục chống lại
nước Ngụy trong toàn cuốn sách.
Nói tóm lại La Quán Trung đã đem những phần phong phú trong truyện Tam
quốc mà nhân dân quần chúng và những nghệ nhân kể chuyện đã sáng tác ra,
nâng cao lên thành một tác phẩm văn học lớn lao nổi tiếng.
Đầu đời Thanh, hai cha con Mao Luân, Mao Tôn Cương (người Tràng Châu
tỉnh Giang Tô) lại bắt đầu tu đính truyện Tam quốc. Công việc tu đính
này hoàn thành vào khoảng năm Khang Hy thứ 18 (1679).
Mao Tôn Cương đã gia công, thêm bớt, nhuận sắc những chi tiết nhỏ, sắp
xếp lại các hồi mục, câu đối, sửa chữa lại câu, lời trùng hoặc những chỗ
chưa thỏa đáng. Ông đã tước bỏ rất nhiều những chương tấu, những bài
bình luận, tán rộng trong phần chú thích, thay đổi một số câu thơ lẫn
lộn văn kể với văn vần, v.v... và thêm vào đó những lời bàn, dồn 240
tiết thành 120 hồi, lại đặt cho bộ Tam quốc cái tên là "cuốn sách đệ
nhất tài tử". Làm cho truyện càng hoàn chỉnh, văn kể trong sáng, gọt
giũa, trên một mức độ nào đó cũng đã làm tiện lợi cho mọi quần chúng độc
giả. Từ đó bản của Mao Tôn Cương thay bản của La Quán Trung, tiếp tục
được lưu truyền rộng rãi.
Năm 1958, Nhân dân Văn học Xuất bản xã Bắc Kinh đã chỉnh lý lại nhiều,
bằng cách dựa vào bản của Mao Tôn Cương hiệu đính rất kỹ từng câu, từng
chữ, từng tên riêng có đối chiếu với bản của La Quán Trung rồi sửa chữa
lại những chỗ mà bản của Mao Tôn Cương đã sửa hỏng, sửa sai với nguyên
bản của La Quán Trung, nhưng nói chung vẫn giữ nguyên bộ mặt của bản Mao
Tôn Cương. Còn những tên lịch sử đặc biệt như tên người, tên đất, tên
chế độ... nếu cả hai bản trên đều sai, thì hiệu đính lại theo sử sách.
Nên các lần in sau hầu hết đều lấy theo bản in này.
Cốt truyện [sửa]
Một trong những thành công lớn nhất của Tam Quốc diễn nghĩa là tính chất
quy mô, hoành tráng của cốt truyện và nhân vật. Bộ tiểu thuyết này có
thể chia thành rất nhiều "truyện nhỏ" mà đa phần trong số đó có thể hoàn
toàn dựng được thành những bộ phim truyện theo đúng nghĩa. Do vậy mà
phần sau đây chỉ cố gắng tóm tắt hết sức sơ lược toàn bộ truyện theo
những nét chính yếu mà không đi vào chi tiết nhân vật và sự kiện:
Lưu ý: Phần sau đây có thể cho bạn biết trước nội dung của tác phẩm.
Truyện lấy bối cảnh vào thời suy vi của nhà Hán khi mà những hoàng đế
cuối cùng của nhà Hán quá tin dùng giới hoạn quan mà gạt bỏ những bề tôi
trung trực. Triều đình ngày càng bê tha, hư nát, khiến kinh tế suy sụp
và an ninh bất ổn. Đến đời Hán Linh Đế, loạn giặc Khăn Vàng nổ ra do
Trương Giác, một người đã học được nhiều ma thuật và bùa phép chữa bệnh,
cầm đầu.
Hà Tiến chỉ huy các quan đại thần chẳng mấy chốc dập tắt được quân nổi
loạn. Hà Tiến là anh rể vua và nhờ đó mà nhậm được chức đại tướng quân
của triều đình. Tuy nhiên, Hà Tiến lại mắc mưu của đám hoạn quan, bị
chúng lừa vào cung và giết chết. Liền sau đó các quan đại thần nổi giận
chạy vào cung giết sạch đám hoạn quan này.
Trong số các quan lại cứu vua có Đổng Trác là thứ sử Tây Lương. Đổng
Trác nhân cơ hội này vào cung bảo vệ vua. Sau đó ông ta phế truất Thiếu
Đế và lập Trần Lưu Vương lên làm hoàng đế, rồi làm tướng quốc nắm hết
quyền triều chính vào tay mình.
Hành vi tàn bạo, lộng quyền của Đổng Trác khiến quan lại vô cùng phẫn
nộ, họ hội quân với Viên Thiệu và lập mưu khiến Đổng Trác dời đô từ Lạc
Dương về Trường An. Cuối cùng Đổng Trác bị giết bởi chính người con nuôi
là Lã Bố, một chiến binh dũng mãnh, do cùng giành giật một người con
gái đẹp là Điêu Thuyền.
Trong lúc đó, trong các quan lại lục đục nội bộ với nhau, Tôn Kiên, cha
của Tôn Sách và Tôn Quyền, lợi dụng lúc lộn xộn, đã lấy được ngọc tỷ
triều đình. Không còn triều đình trung ương vững mạnh, các quan lại quay
về địa phương của mình và bắt đầu giao chiến với nhau. Nhiều anh hùng
như Tào Tháo và Lưu Bị, mặc dù chưa chính thức được ban tước và quân,
cũng bắt đầu xây dựng lực lượng riêng.
Quyền lực của Tào Tháo ngày một mạnh lên sau một loạt những sự kiện sau
đó. Trong chiến dịch quân sự đánh Viên Thiệu, chiến thắng quyết định của
Tào Tháo là tại trận Quan Độ. Thất bại của Viên Thiệu đã đặt cơ sở cho
Tào Tháo củng cố quyền lực tuyệt đối khắp miền bắc Trung Quốc.
Cũng trong thời gian này, Lưu Bị đã lập được căn cứ ở Nhữ Nam và tự đem
quân đi tấn công Tào Tháo nhưng bị thất bại. Lưu Bị bèn tới Kinh Châu
nhờ Lưu Biểu là một người anh họ xa của Lưu Bị cho lánh nạn. Tại đó Lưu
Bị, sau ba lần đến thăm lều cỏ của Gia Cát Lượng, đã chiêu mộ được ông
ta làm mưu sĩ. Hai lần đầu tiên, Gia Cát lấy cớ đi có việc để từ chối
gặp khách. Chỉ có lần cuối cùng vì cảm kích bởi sự chân thành và kiên
trì của Lưu Bị mà Gia Cát Lượng mới quyết định theo phò tá.
Chẳng may Lưu Biểu mất, để lại Kinh Châu cho hai con trai nhỏ. Sau khi
trừ được Viên Thiệu, Tào Tháo lập tức nhòm ngó về phía nam. Ông ta tự
đem quân đi chiếm Tân Dã. Lưu Bị được lòng dân chúng thành Tân Dã nên
trước viễn cảnh bị xâm chiếm, toàn bộ dân trong thành một lòng xin đi
theo Lưu Bị. Lưu Bị đành đưa dân Tân Dã về thành Tương Dương của người
con thứ của Lưu Biểu, tại đây Lưu Bị bị từ chối không cho vào thành.
Không còn cách nào khác ông phải tiếp tục nam tiến xuống Giang Hạ (江夏),
là thành của Lưu Kỳ người con trưởng của Lưu Biểu. Ở Giang Hạ, Lưu Bị
cuối cùng cũng tạm có được một chỗ đặt chân để chống lại cuộc tấn công
dữ dội của Tào Tháo.
Còn ở phía đông nam, Tôn Quyền vừa mới lên nắm quyền sau cái chết của
người anh là Tôn Sách. Cả Tào Tháo lẫn Lưu Bị đều định liên kết với Tôn
Quyền. Tuy nhiên, Gia Cát Lượng tự mình đến quận Sài Tang (柴桑) và thuyết
được Tôn Quyền hợp tác với Lưu Bị. Liên minh này đã dẫn đến thất bại
thảm hại nhất của Tào Tháo tại trận Xích Bích.
Nơi từng diễn ra trận Xích Bích
Với ý định loại trừ Lưu Bị, người mà Tôn Quyền cho là một mối đe dọa
tiềm tàng, ông ta bày mưu gả em gái cho Lưu Bị. Sau đó, Lưu Bị mắc mưu
sang Sài Tang để làm lễ cưới. Tuy nhiên, Tôn Quyền rất nghe lời mẹ Ngô
Quốc Thái Phu Nhân; bà này rất quý Lưu Bị và không cho ai hãm hại Lưu
Bị. Cũng do mưu lược của Gia Cát Lượng mà Lưu Bị cuối cùng đã thoát được
quay về Giang Hạ cùng với người vợ mới.
Tình trạng giằng co giữa ba thế lực vẫn bế tắc cho đến khi Tào Tháo chết
vào năm 219 có lẽ do u não (Tào Tháo chết do bệnh Thiên Đầu Thống
[Nguyễn Tiến Đức]). Năm sau đó, con thứ của Tào Tháo là Tào Phi ép phế
Hiến Đế và lập ra nhà Ngụy. Đáp lại, Lưu Bị tự xưng đế Thục Hán (để
chứng tỏ vẫn mang dòng máu quý tộc nhà Hán nhưng đặt đô tại Thành Đô
Thục).
Lúc này, Tôn Quyền lại ngả về phía Ngụy. Ông chịu để Tào Phi phong vương
nước Ngô. Tôn Quyền làm việc này nhằm tập trung lực lượng chống Lưu Bị
do Lưu Bị khởi binh đánh Ngô để trả thù cho Quan Vũ bị Tôn Quyền giết
chết.
Một loạt những sai lầm mang tính chiến lược do hành động nóng vội của
Lưu Bị đã dẫn đến thất bại của quân Thục Hán trong trận Hào Đình. Tuy
nhiên, Lục Tốn (陆逊), quân sư phía Ngô đã từng chĩa mũi nhọn tấn công về
phía Thục, đã ngưng không tiếp tục dấn sâu về phía tây. Vì tin vào đòn
trừng phạt của Lục Tốn, Tào Phi phát động một cuộc xâm lược vào nước Ngô
vì cho rằng như vậy quân Ngô vẫn còn ở ngoài nước. Cuộc tấn công đã bị
đè bẹp bởi sự kháng cự quyết liệt của quân Ngô cùng với bệnh dịch bùng
phát phía bên quân Ngụy.
Trong lúc đó tại nước Thục, Lưu Bị bị bệnh chết và để lại con trai Lưu
Thiện còn nhỏ dại, phó thác cho Gia Cát Lượng chăm sóc. Nắm bắt cơ hội
này, Tào Phi gắng mua chuộc một số lực lượng, trong đó có Tôn Quyền và
các bộ tộc thiểu số để tấn công nước Thục. Một sứ giả của Thục thuyết
được Tôn Quyền lui quân, nhưng Gia Cát Lượng vẫn phải lo xử lý quân của
các bộ tộc thiểu số.
Một trong những mưu lược tài ba cuối cùng của Gia Cát Lượng là tiến hành
chiến dịch thu phục Mạnh Hoạch, thủ lĩnh bộ tộc người Man (蛮族). Gia Cát
Lượng đã bảy lần bắt sống Mạnh Hoạch, lần nào cũng cho thả ra nguyên
vẹn. Mạnh Hoạch vì cảm động bởi mưu trí và lòng nhân từ của Gia Cát
Lượng nên đã thề mãi mãi gắn bó với nhà Thục.
Trong lúc này, Tào Phi cũng lâm bệnh mà chết. Gia Cát Lượng liền nhìn về
phía bắc. Tuy thế, ông không còn sống được bao lâu nữa. Chiến thắng
đáng kể cuối cùng của ông chống lại quân Ngụy có lẽ là chiêu hàng được
Khương Duy về phía mình. Khương Duy trước đó là một tướng bên Ngụy, có
tài năng quân sự. Khương Duy tiếp tục tiến hành chiến dịch của Gia Cát
Lượng chống lại Tào Ngụy tới một kết cục khá cay đắng, ngay cả sau khi
Lưu Thiện đầu hàng. Khương Duy bày mưu kích động xung đột giữa hai tướng
lớn phía Ngụy. Kế sách này đã tiến rất sát đến thành công. Thật không
may, bệnh tim bộc phát ngay giữa trận đánh cuối cùng. Ông liền dùng kiếm
tự vẫn, đánh dấu kháng cự cuối cùng của nhà Thục Hán.
Cuộc chiến kéo dài nhiều năm giữa Ngụy và Thục thì phía Ngụy liên tục
đổi ngôi. Nhà họ Tào ngày một yếu thế. Cuối cùng, vào thời Tào Hoán,
cháu đại thần Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm bắt Tào Hoán nhường ngôi giống như
Tào Phi đã từng ép Hiến Đế, tức là Tấn Vũ Đế. Tấn Vũ Đế sau đó lập ra
nhà Tấn vào năm 265.
Vua cuối cùng của Ngô là Tôn Hạo (孙皓) đến năm 280 bị Tấn Vũ Đế chinh
phục. Cả ba vua cuối cùng của ba nước là Tào Hoán, Lưu Thiện và Tôn Hạo,
được sống cho đến tận cuối đời. Và thế là thời đại Tam Quốc cuối cùng
cũng chấm dứt sau gần một thế kỷ đầy xung đột.
Sự thực của một số tình tiết hư cấu [sửa]
Xem thêm: Danh sách sự kiện hư cấu trong Tam Quốc diễn nghĩa và Danh sách nhân vật hư cấu trong Tam quốc diễn nghĩa
Các sĩ phu thời phong kiến thường chỉ trích vấn đề bảy thực ba hư của
Tam quốc diễn nghĩa, nói là có nhiều chỗ vô căn cứ, hoang đường vì vậy
làm cho độc giả hiểu sai đi và cũng làm sai cả chính sử. Trương Học
Thành đời nhà Thanh và một số người khác nêu ra như: kết nghĩa vườn Đào,
Quan Vũ hiển thánh ở Ngọc Toàn, Quan Vũ đốt đuốc ngồi suốt đêm trước
cửa buồng hai Cam, My phu nhân, đường Hoa Dung Quan Vũ chặn Tào Tháo,
Bàng Sĩ Nguyên chết ở Lạc Phượng, Chu Du uất hận nói"Đã sinh ra Du sao
còn sinh Lượng", Gia Cát Lượng tế ở sông Lô, nặn bột làm đầu người...[4]
Tất cả những điều đó đều là vô căn cứ vì không thấy có trong chính sử.
Gần đây, các học giả Trung Quốc đã đề cập nhiều tình tiết không có thực
trong lịch sử mà nhà văn La Quán Trung (hay nói chính xác hơn là những
câu chuyện dân gian mà ông tập hợp để viết nên tác phẩm) đã hư cấu. Một
số tài liệu khác cũng đề cập tới sự so sánh giữa sự thực lịch sử và
những tình tiết hư cấu của tiểu thuyết. Một số tình tiết tiêu biểu là:
Kết nghĩa vườn đào.
Thực ra không có chuyện này, ba người chỉ coi nhau là anh em chứ không kết nghĩa.
Tào Tháo ám sát Đổng Trác không thành, bỏ trốn đi hiệu triệu chư hầu đánh Trác:
Sử không nêu rõ lý do Tào Tháo bỏ Đổng Trác; người hiệu triệu chư hầu đánh Đổng Trác là Viên Thiệu[5].
Tào Tháo được Trần Cung thả ở Trung Mâu, cùng nhau giết nhà Lã Bá Sa:
Việc giết Bá Sa không có mặt Trần Cung và sử không chép rõ viên huyện lệnh Trung Mâu có phải Trần Cung hay không[5].
Những người hội minh với Viên Thiệu để đánh Đổng Trác:
Sự thực không có tới 17 người mà chỉ có 10 người là Viên Thiệu, Viên
Thuật, Hàn Phức, Khổng Do, Lưu Đại, Trương Mạo, Trương Siêu, Vương
Khuông, Viên Di, Kiều Mạo. Những người khác được Tam quốc diễn nghĩa đề
cập tới nhưng thực ra không tham dự là: Khổng Dung, Đào Khiêm, Mã Đằng,
Trương Dương, Công Tôn Toản. Còn người thứ 17 là Tôn Kiên cũng tự động
khởi binh đánh Đổng Trác chứ không hội quân với Viên Thiệu[6].
Quan Vũ giết Hoa Hùng: truyện Tam quốc diễn nghĩa kể Quan Vũ chém Hùng
trong nháy mắt, khi chén rượu mời của Tào Tháo trước khi ra trận còn
nóng.
Nhưng thực tế theo sử sách thì người giết Hoa Hùng - bộ tướng của Đổng Trác - là Tôn Kiên, người khai nghiệp ở Giang Đông[7].
Tam anh chiến Lã Bố:
Ba anh em Lưu Bị cũng không tham dự đánh Đổng Trác và do đó sự kiện "Tam anh chiến Lã Bố" ở Hổ Lao là không có thực[8].
Điêu Thuyền và câu chuyện Phụng Nghi Đình.
Điêu Thuyền không có thật, Lã Bố và Đổng Trác chỉ cùng thích 1 con hầu gái. Vương Doãn mới khích Bố để Bố giết Trác.
Quan Vũ "qua 5 ải chém 6 tướng" sau khi chia tay Tào Tháo trước trận Quan Độ, và cả tướng Sái Dương sau đó ở Cổ Thành.
Thực ra không có việc qua ải chém tướng của Quan Vũ và Sái Dương bị giết ở trận Nhữ Nam (xảy ra sau trận Quan Độ)[9].
Từ Thứ quy Tào: Từ Thứ theo giúp Lưu Bị chống Tào Tháo. Tào dùng kế bắt
mẹ Từ Thứ và buộc bà viết thư dụ con. Từ mẫu không chịu, Tào Tháo sai
người mạo nét chữ bà mẹ để viết thư dụ Từ Thứ. Từ Thứ đành bỏ Lưu Bị
sang Tào Tháo để trọn đạo hiếu; trước khi đi tiến cử Gia Cát Lượng với
Lưu Bị.
Sự thực: khi Gia Cát Lượng đến với Lưu Bị, Từ Thứ vẫn còn ở với Lưu Bị
và cả 2 người cùng làm mưu sĩ chống Tào. Khi Lưu Bị bị thua ở Đương
Dương - Tràng Bản, chẳng những 2 con gái Lưu Bị bị bắt mà mẹ Từ Thứ cũng
bị bắt tại đây. Tào Tháo sai mẹ Từ Thứ viết thư dụ con. Bà không cự
tuyệt Tào Tháo như trong Tam quốc diễn nghĩa mô tả. Từ Thứ lúc đó mới
sang Tào[10].
Gia Cát Lượng mượn bài phú Đài Đồng Tước của Tào Thực để khích Chu Du:
Tam Quốc Diễn Nghĩa kể việc Khổng Minh gợi chuyện Tào Tháo xây đài Đồng
Tước vì muốn bắt 2 nàng Kiều là vợ Tôn Sách và Chu Du, còn sai Tào Thực
làm bài phú.
Sự thực là sau trận Xích Bích, Tào Tháo mới xây đài và khi đó Tào Thực mới làm bài phú[11].
Thuyền cỏ mượn tên: Trong trận Xích Bích nổi tiếng, có tình tiết Gia Cát
Lượng đi cùng Lỗ Túc và 30 thuyền cỏ trong sương mù, khiến Tào Tháo
không dám xuất quân mà chỉ bắn tên ra. Thế là hàng chục vạn mũi tên cắm
vào thuyền cỏ quay ngang. Gia Cát Lượng thu tên về nộp cho Chu Du.
Sự thực không có việc dùng "thuyền cỏ mượn tên"[12].
Ngô Quốc thái đến chùa xem rể hiền.
Ngô quốc thái (vợ Tôn Kiên) chết rất lâu trước khi Tôn Thượng Hương được
gả cho Lưu Bị, do đó không có chuyện “Ngô quốc thái đến chùa xem rể
hiền”
"Sinh Du hà sinh Lượng?" Tam quốc diễn nghĩa kể chuyện Gia Cát Lượng 3
lần chọc tức Chu Du khiến Du tức phải than: "Trời sinh Du sao còn sinh
Lượng?" rồi chết.
Sự thực là Chu Du chết bệnh trong quân ngũ, không liên quan đến việc bị Gia Cát Lượng chọc tức[13].
Bàng Thống chết ở gò Lạc Phượng rồi Gia Cát Lượng mới vào Tây Xuyên: Tam
quốc diễn nghĩa kể việc Bàng Thống bị tướng Tây Xuyên là Trương Nhiệm
mai phục ở gò Lạc Phượng bắn chết; Lưu Bị không có người phụ tá, phải
gọi Khổng Minh từ Kinh châu vào Xuyên; Khổng Minh lừa bắt được Trương
Nhiệm.
Thực tế thì khi đánh Tây Xuyên khó khăn, Lưu Bị đã gọi Gia Cát Lượng vào
tham chiến. Gia Cát Lượng cùng Trương Phi và Triệu Vân vào Xuyên nửa
năm sau thì Bàng Thống mới chết tại Lạc Thành (không phải tại gò Lạc
Phượng) khi đụng độ với Trương Nhiệm. Trận này Lưu Bị và Bàng Thống tác
chiến độc lập không có Khổng Minh và các tướng khác tham gia nhưng vẫn
thắng được Trương Nhiệm ở Lạc Thành. Bàng Thống thắng trận nhưng bị tên
lạc mà chết. Trương Nhiệm bị Lưu Bị bắt sống, không chịu hàng mà
chết[14].
Triệu Vân và Trương Phi đòi A Đẩu.
Tôn Thượng Hương chủ động trốn về Ngô theo sứ giả của Ngô và đem A Đẩu
theo chỉ để làm con tin để về nhà an toàn. Do đó Triệu Vân đòi lại A Đẩu
cũng chỉ là cuộc trao đổi (tha cho bà về, đổi lại phải trả lại A Đầu)
chứ Vân không hề xông vào thuyền bà.
Trận lụt Phàn Thành.
Không phải là mẹo của Quan Vũ mà là do thiên tai, Vũ lợi dụng để đánh Vu Cấm.
Gia Cát Lượng mắng chết Vương Lãng: trong lần ra Kỳ Sơn đánh Ngụy (thời
Ngụy Minh Đế Tào Tuấn), Gia Cát Lượng gặp lão thần Tào Ngụy là Vương
Lãng trước trận; Vương Lãng khuyên Gia Cát hàng nhưng bị Gia Cát dùng
lời lẽ mắng lại việc bỏ nhà Hán theo họ Tào cướp ngôi là trái lẽ; Vương
Lãng nghe xong uất quá ngã xuống đất chết.
Sự thực, việc này diễn ra thời Văn Đế Tào Phi. Tào Phi chỉ sai Vương
Lãng cùng các danh sĩ Hoa Hâm, Trần Quần, Hứa Chi viết thư cho Gia Cát
Lượng, khuyên ông nên hiểu rõ thời thế, vận nhà Hán đã suy, nên bỏ Hán
sang Ngụy. Gia Cát Lượng nhận thư, công khai trả lời, khẳng định lập
trường không thay đổi, không dao động; ngược lại còn tỏ ý tiếc cho lão
thần Vương Lãng đã a dua theo những người ủng hộ họ Tào. Sự việc dừng
lại ở đó và Vương Lãng không chết vì bức thư trả lời của Gia Cát Lượng.
Hai người chỉ có lời lẽ qua lại bằng thư từ, không gặp nhau ngoài chiến
trường[15].
Không thành kế: Tam quốc diễn nghĩa kể việc sau khi để mất Nhai Đình,
Gia Cát Lượng ở Tây Thành bị Tư Mã Ý kéo đến toan vây đánh nhưng đã áp
dụng "không thành kế", cho mở toang cổng thành khiến Tư Mã Ý nghi có
phục binh nên rút đi.
Trên thực tế giữa Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý không xảy ra vụ việc này mà
chỉ là hư cấu của La Quán Trung. "Không thành kế" trong lịch sử xảy ra
tại chiến tranh Lưu Tống-Bắc Ngụy thời Nam Bắc triều. Khi quân Ngụy đuổi
theo quân Tống đến Lịch Thành, Thái thú Tế Nam của Lưu Tống là Tiêu
Thừa Chi chỉ có vài trăm quân, liệu chừng không thể chống lại đại quân
Ngụy, bèn áp dụng "không thành kế", cho mở toang cổng thành. Quân Bắc
Ngụy sợ có phục binh không dám vào thành[16].
Những ấn phẩm liên quan [sửa]
Song song với những bản Tam quốc diễn nghĩa, ngay từ khi mới vào Việt
Nam, bộ truyện này còn kéo theo nó hàng loạt ấn phẩm khác về các nhân
vật, sự kiện liên quan đến thời Tam quốc, hoặc những cuốn khảo cứu về
bản thân tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa. Tất cả những ấn phẩm đó được các
tác giả người Việt sáng tác, hoặc được dịch sang tiếng Việt để giúp cho
những người yêu thích Tam quốc diễn nghĩa có thêm được những góc nhìn
khác nhau về tác phẩm văn chương bất hủ này của thế giới.
Có thể kể ra những tác phẩm liên quan đến sự kiện, nhân vật Tam quốc như:
Hậu Tam quốc, Tam quốc ngoại truyện của Tạ Mỹ Sinh
Tào Tháo của Tào Trọng Hoài
Điêu Thuyền của Chu Tường
Mưu chí và sách lược của Tào Tháo của Trí Tuệ
Người tình nhỏ của Trương Phi của Tất Trân...
Còn sách viết riêng về Khổng Minh Gia cát Lượng cũng có hàng loạt tác phẩm như:
Khổng Minh Gia Cát Lượng của Trần Văn Đức
Khổng Minh Gia Cát Lượng của Lê Xuân Mai
Khổng Minh (song ngữ Hoa-Việt) của Mã Nguyên Lương - Lê Xuân Mai
Gia Cát Lượng nhà quân sự tiên tri của Bùi Biên Hòa
Gia Cát Lượng cuộc đời tài trí của Tào Hải Đông
100 điều chưa biết về Gia Cát Lượng của Lý Điện Nguyên
Mưu hay kế lạ của Khổng Minh Gia Cát Lượng của Nguyễn Nguyên Quân
Khổng Minh Gia Cát Lượng của Dư Đại Cát...
Loại sách khảo cứu như:
Long Trung quyết sách của Kiến Hoa
Tam quốc bình giảng, Khảo luận về Tam quốc chí diễn nghĩa của Nguyễn Tử Quảng
Thuật dùng người thời Tam quốc của Phùng Thế Bản
Chân dung nhân vật Tam quốc chí của Việt Chương
Nói chuyện Tam quốc của Vũ Tài Lục
Lược khảo Tam quốc chí diễn nghĩa của Nguyễn Quang Tô
Tam quốc diễn nghĩa phụ lục của Moss Robert và Jim Waters...
Phê bình văn học [sửa]
Giữa tác phẩm văn học và ghi chép lịch sử, giữa tiểu thuyết và sử, đặc
biệt là giữa loại tiểu thuyết lịch sử có tính chất sáng tác tập thể của
nhân dân quần chúng như Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa với loại sách
gọi là "chính sử" do các sĩ phu phong kiến biên soạn, giữa hai thứ đó
bản chất khác hẳn nhau. Quên mất điểm khác nhau đó sẽ dẫn tới cái nhìn
sai lầm lệch lạc. Hiểu rõ và đánh giá một tác phẩm văn học nổi tiếng như
Tam quốc là việc không đơn giản. Cách kể chuyện thời Tam quốc của La
Quán Trung cũng cho chúng ta thấy sự phản ánh tình hình chính trị thời
tác giả sống. Hoàng đế nhà Minh Vạn Lịch đã chính thức nâng Quan Vũ
thành thánh để nhấn mạnh đức tính quả cảm và tuyệt đối trung thành của
ông (những tính cách mà rõ ràng hoàng đế muốn đề cao để các thần dân noi
theo). Tuy nhiên La Quán Trung lại xây dựng cho chúng ta một nhân vật
Quan Vũ tinh tế hơn ở chỗ Quan Vũ chết như một thần tượng tan vỡ, đáng
thương vì tính cả tin của mình. Các lời bình cổ đã không chú ý đến chi
tiết này nhưng khám phá gần đây cho thấy Quan Vũ của La Quán Trung là
một sự phản ánh hấp dẫn của văn hoá Trung Quốc dưới luật thời nhà Minh,
tác giả vừa theo chương trình tuyên truyền của triều đình phong kiến
thời đấy mà vẫn phá luật một cách khá tinh tế.
Ý nghĩa tác phẩm [sửa]
Ba anh em nhà Lưu Bị, tranh lụa của Sekkan Sakurai (1715-1790), The Field Museum
Tam quốc diễn nghĩa là câu chuyện gần một trăm năm, sự việc nhiều nhưng
không rối là do ngòi bút có khuynh hướng của La Quán Trung. Tác giả đứng
về phía Thục Hán lên án Tào Ngụy, còn Tôn Ngô chỉ là lực lượng trung
gian. Mặc dù còn dấu ấn khá đậm của tư tưởng chính thống và sự thực lịch
sử không hẳn như thế, nhưng truyền thuyết “ủng Lưu phản Tào” là khuynh
hướng vốn có của hầu hết các truyền thuyết về thời Tam Quốc lưu hành
trong nhân dân. Nó phản ánh nguyện vọng có một “ông vua tốt” xuất thân
hàn vi, biết thương dân và vì dân, một triều đình thực hiện “nhân
chính”, một đất nước thống nhất và hoà bình. Đặc biệt trong bối cảnh tác
phẩm ra đời, khi nhà Nguyên của ngoại tộc Mông Cổ thống trị Trung Hoa,
tư tưởng “ủng Lưu phản Tào” còn thể hiện khát vọng của nhân dân có một
vị vua kế thừa dòng máu hoàng thất người Hán, đánh đuổi ngoại tộc để
trung hưng lại triều đại của các vị vua người Hán.
Tam quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết sử thi nên giọng điệu chủ yếu là ca
ngợi hay châm biếm hài hước để phê phán. Khoa trương phóng đại để ca
ngợi những kỳ tích của các anh hùng hảo hán như phóng đại những khó khăn
hiểm trở để thử thách tài năng võ nghệ của các anh hùng. Các nhân vật
luôn có vóc dáng khác người, những hành động phi thường và tâm hồn họ
cũng khác với người thường. Có lẽ vì thế, có thể có nhiều trận đánh ác
liệt tử vong rất nhiều nhưng không gây không khí bi thảm.
Ngôn ngữ của Tam quốc diễn nghĩa là sự kết hợp giữa văn ngôn và bạch
thoại, sử dụng được ngôn từ thông dụng trong nhân dân. Ngôn ngữ kể lấn
át ngôn ngữ miêu tả, và trong ngôn ngữ miêu tả rất ít sử dụng định ngữ
và tính từ. Người Trung Quốc gọi loại miêu tả ngắn gọn như vậy là lối
bạch miêu, nhưng nhờ lối kể chuyện khéo léo, đối thoại sinh động và sử
dụng rộng rãi khẩu ngữ, các truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại,
chuyện lịch sử v.v... nên đã tạo cho tác phẩm một vẻ đẹp hấp dẫn vừa bác
học và dân dã.
Hành trình ở Việt Nam [sửa]
Do nội dung hết sức hấp dẫn nên sách Tam quốc rất được người đọc Việt
Nam đón nhận. Ngay từ đầu thế kỷ 20 khi chữ quốc ngữ mới manh nha hình
thành và phát triển ở Việt Nam thì Tam quốc diễn nghĩa đã ngay lập tức
được các nhà nho dịch sang chữ quốc ngữ để người đọc Việt Nam làm quen
với một kiệt tác của văn học cổ Trung Quốc. Vì vậy quá trình xuất bản và
giới thiệu Tam quốc diễn nghĩa ở Việt Nam dường như cũng song hành với
sự phát triển chữ quốc ngữ ở Việt Nam.
Có thể coi năm 1902 là cột mốc lần đầu tiên truyện Tam quốc diễn nghĩa
được dịch và giới thiệu với độc giả Việt Nam. Theo học giả Vương Hồng
Sển viết trong tác phẩm Thú chơi sách thì truyện Tam quốc vào Việt Nam
là do Lương Khắc Ninh dịch (nhưng lại ký dưới là Chủ nhân Paul
Canavaggio) đăng trên báo Nông Cổ Mín Đàm, một trong những tờ báo sớm
nhất của báo chí chữ quốc ngữ Việt Nam do Canavaggio sáng lập từ tháng 8
- 1901.
Năm 1907 nhà xuất bản Imprimerie De L'Opinion tại Sài Gòn đã xuất bản
Tam quốc diễn nghĩa in thành 24 quyển, mỗi quyển 5 hồi; sách không có
hình minh họa, ngôn ngữ bình dân Nam bộ.
Năm 1909 Nhà xuất bản Impimerie-Express tại Hà Nội xuất bản mang nhan đề
Tam quốc chí diễn nghĩa và phía trên có đề chữ Sách ngoài dịch nôm,
người dịch là cụ Phan Kế Bính, có hình vễ minh họa in thành 5 cuốn, khổ
nhỏ. Việc dịch và in bộ Tam quốc này, theo như lời tựa ở đầu sách, chính
là nhằm tuyên truyền cho việc học chữ quốc ngữ lúc bấy giờ. Lời Tựa do
Nguyễn Văn Vĩnh viết có đoạn như một "tuyên ngôn" rằng: Nước Nam ta mai
sau này, hay dở cũng ở như chữ quốc ngữ... cái điều hay cho hậu vận nước
Tổ-Việt ta ấy là nhờ như chữ quốc ngữ. Chữ đâu hay thế! Mà dễ học thay!
Gốc hai mươi ba chữ, năm dấu soay (xoay) vần, mà tiếng nước Nam bao
nhiêu cũng viết được đủ. Bản dịch này cuối mỗi hồi thường ghi cả những
lời bình của Mao Tôn Cương và lời bình của người dịch.
Sau đó ở miền Nam cho ra bản dịch của Nguyễn Liên Phong, Nguyễn An Cư và
Nguyễn An Khương, trọn bộ 31 cuốn, mỗi cuốn đều có hình minh họa. Không
rõ lý do vì sao đến năm 1928 in lại rồi được tái bản nhiều lần sau đó,
chỉ đề tên người dịch là một mình ông Nguyễn An Cư. cùng thời đó còn có
bản do Tín Đức thư xã ở 37, sau đổi sang 25 đường Sabourain (nay là Tạ
Thu Thâu) xuất bản, nhưng chất lượng dịch kém hơn. Ngoài ra ở miền Nam
trong thời kỳ đầu thế kỷ 20 còn có bộ Tam quốc diễn nghĩa in năm 1930 ở
Sài Gòn nó gồm 38 tập mỏng tổng cộng hơn 1500 trang, người dịch là ông
Nguyễn Chánh Sắt; do nhà in Nguyễn Văn Viết ở 85-87 đường Ormay xuất
bản. Ông Nguyễn Chánh Sắt đã từng dịch khá nhiều truyện Trung Hoa như:
Tây Hớn (Hán), Đông Hớn (Hán), Ngũ hổ bình Tây, Càn Long du Giang Nam,
Mạnh Lệ Quân, Chinh Tây...
Năm 1966 nhà xuất bản Hương Hoa cho ra bản dịch của Mộng Bình Sơn, in
thành một tập duy nhất dày gần 1700 trang tiếc rằng bản dịch này đã bỏ
bớt một số đoạn thơ trong nguyên tác, nhưng ở phần cuối sách lại có thêm
phần "Ngoại thư" dài khoảng 60 trang, chưa kể những "lời nhận xét của
người thời nay" cùng với lời bàn của Mao Tôn Cương trích trong Thánh
thán ngoại thư ở cuối mỗi hồi. (Bản dịch này được tái bản nhiều lần)
Năm 1967-1968 Nhà xuất bản Á Châu cho ra bản dịch đáng chú ý khác của Tử
Vi Lang chia thành 8 tập, cũng có lời bình và phần ngoại thư ở cuối
sách.
Năm 1972 Nhà sách Khai Trí ở 62 Lê Lợi, Sài Gòn cũng xuất bản Tam quốc diễn nghĩa theo bản dịch của Phan Kế Bính in năm 1909
Ở miền Bắc, sau bản in năm 1909 của dịch giả Phan Kế Bính, tròn 40 năm
sau, năm 1949 nhà in Phúc Chi ở 95 Hàng Bồ, Hà Nội mới in tiếp Tam quốc
diễn nghĩa, người dịch là Hồng Việt, bản này trình bày hai cột như trên
báo, tổng cộng lên tới hơn 2000 trang.
Sau đó mãi đến cuối năm 1959 và đầu năm 1960 nhà xuất bản Phổ Thông mới
lại cho in Tam quốc diễn nghĩa (chia thành 13 tập), vẫn dựa trên bản
dịch năm 1909 của Phan Kế Bính, nhưng do Bùi Kỷ hiệu đính khá nhiều bằng
cách đem đối chiếu với nguyên bản tiếng Trung Quốc mới nhất vào thời
điểm ấy do Nhân dân Văn học xã Bắc Kinh xuất bản năm 1958. Trong số tất
cả các bản dịch trước đó thì đây là bản dịch được hiệu đính kỹ lưỡng nên
rất trau chuốt, toát lên được cái thần của Tam quốc nhất. Đặc biệt tập 1
có đăng lời nói đầu của bộ biên tập Nhà xuất bản Nhân Dân Văn Học Trung
Quốc dài tới 35 trang, phân tích khá kỹ nội dung truyện và lần đầu tiên
có in bài từ mở đầu truyện do cụ Bùi Kỷ dịch với những dòng hào sảng,
cùng với những tranh minh hoạ do hai hoạ sĩ Trung Quốc Từ Chính Bình và
Từ Hoằng Đạt thể hiện thật sống động như trong một cuốn phim.
Năm 1975, đất nước thống nhất, nhưng phải 12 năm sau, Tam quốc diễn
nghĩa mới được Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp cho in
vào năm 1987. Bản dịch này chia làm tám tập, dựa vào bản in năm 1959 của
nhà xuất bản Phổ Thông, ngoài ra còn có bản đồ và bảng đối chiếu địa
danh xưa và nay. Ngay năm sau 1988, Nhà xuất bản Đại học và Giáo dục
chuyên nghiệp lại nối bản và Nhà xuất bản Giáo dục lại cho "in lần thứ
hai" vào năm 1996. Kể từ đó, việc xuất bản Tam quốc diễn nghĩa được thực
hiện một cách rộng rãi và thường xuyên. Đáng chú ý là bộ tập tranh Tam
quốc diễn nghĩa liên hoàn họa do hai họa sĩ Trung Quốc Từ Chính Bình và
Từ Hoằng Đạt vẽ, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau đã cho in đủ 7124 tranh, chia
thành 30 tập, thật kỳ công và được tái bản năm 2004.
Xin nói thêm về bộ "Tam quốc diễn nghĩa liên hoàn họa": Thực tế, bộ
truyện tranh "Tam quốc diễn nghĩa liên hoàn họa" do gần ba mươi họa sĩ
kỳ công vẽ nên, mỗi tập có từ một đến năm họa sĩ tham gia. Hai họa sĩ Từ
Chính Bình và Từ Hoằng Đạt chỉ là người vẽ tập đầu tiên "Kết nghĩa vườn
đào" mà thôi. Họa sĩ vẽ nhiều tập nhất là Uông Ngọc Sơn, tham gia vẽ 9
tập. Bản đầy đủ nhất của bộ truyện "Tam quốc diễn nghĩa liên hoàn họa"
được in thành 65 tập, gồm 7456 tranh (nhiều hơn khoảng 300 tranh so với
bộ truyện do NXB Mũi Cà mau đã in). Tuy vậy, những minh họa trong bộ
"Tam quốc diễn nghĩa liên hoàn họa" kể ở trên vẫn chưa thể hiện đầy đủ
nội dung truyện Tam quốc diễn nghĩa. Vì vậy đến năm 2007, các họa sỹ
Trung Quốc đã vẽ tiếp các phần còn thiếu và gộp thành 30 tập bổ xung
nữa. Có thể kể tên một số tập mới trong bộ "Tam quốc diễn nghĩa liên
hoàn họa bổ xung" gồm 30 tập (20 tập dài và 10 tập ngắn), được xuất bản
lần đầu năm 2007 như: Bắc Hải cứu Khổng Dung, Chém Vu Cát, Đài Đồng
Tước, Tào Tháo bình Hán Trung, Loạn Hứa Đô, Núi Ngọc Toàn, Võ hầu bình
nam...
Đặc biệt đầu năm 2007 Nhà xuất bản Văn Học cho in lại theo bản 13 tập
(cả phần tranh) của Nhà xuất bản Phổ Thông năm 1959 do Phan Kế Bính dịch
và Bùi Kỷ hiệu đính, bìa cứng có hai loại khổ để người đọc lựa chọn
(khổ nhỏ 4 tập, khổ lớn 2 tập) còn in kèm 40 trang phụ bản màu với hơn
100 các nhân vật và kèm theo bản đồ màu khổ lớn. Bản in này còn in y
nguyên lời giới thiệu của Nhà xuất bản Phổ Thông năm 1959 và Lời nói đầu
của bộ biên tập Nhân dân Văn học Xuất bản xã Bắc Kinh tháng 3 năm 1959.
Cũng trong lần xuất bản này còn có mục Hành trình truyện Tam Quốc ở
Việt Nam của Yên Ba (từ trang 30 đến trang 38) thống kê khá tỷ mỉ về
những lần dịch và xuất bản ở Việt Nam (mục này lấy thông tin chủ yếu ở
đó)
Như vậy kể từ lần dịch đầu tiên đến nay là một thế kỷ Tam quốc diễn
nghĩa đã được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam cũng rất đa rạng, nhiều
người dịch, in theo nhiều khổ, một tập có, nhiều tập có, in truyện tranh
có, hiệu đính kỹ lưỡng có và cũng có những bản dịch bình dân, có cả
những câu văn vần kể lại sơ lược truyện Tam quốc như:
Truyện Tam quốc trực trần thiệt sự
Coi với trong chánh (chính) sử không sai
Đã lắm trang quỉ quyệt trí tài
Lại nhiều kế tâm hoài nghĩa khí
Ai nhơn (nhân) từ bằng ông Lưu Bị
Ai gian hùng như Ngụy Tào Mang (Man)
Quang (Quan)công Hầu một tấm trung can
Lòa ngọn đuốc rỡ ràng gương nhựt (nhật) nguyệt
Trương dực đức hoanh hoanh liệc liệc (oanh oanh liệt liệt)
Tính bình sanh chơn thiệt (chân thật) trực tình
...... [17].
Như vậy cho chúng ta thấy, hiếm có một tác phẩm văn học nào lại được
đông đảo quần chúng nhân dân Việt Nam yêu thích như Tam quốc diễn nghĩa.